Được hình thành từ những năm 1960 với tên ban đầu là Việt Nam Kim Khí Công Ty – VIKIMCO. Từ ngày 1/1/1978 VIKIMCO chính thức được đặt dưới sự điều hành và quản lý của Công ty Luyện Kim Đen thuộc Bộ Cơ Khí và Luyện Kim và được đổi tên thành Nhà máy Quốc Doanh Cán Thép VIKIMCO. Từ ngày 01/07/2007 Nhà máy Thép Thủ Đức được đổi tên thành Công ty Thép Thủ Đức trực thuộc Tổng công ty Thép Việt Nam. Đến ngày 01/01/2008 Công ty Thép Thủ Đức chuyển thành Công ty CP Thép Thủ Đức. Sau 4 năm hoạt động theo hình thức CP hóa, kết hợp với sự hỗ trợ về nhiều mặt của Tổng công ty Thép Việt Nam, Công ty CP thép Thủ Đức đã có những thành công đáng kể trong hoạt động sản xuất kinh doanh với việc mở rộng thị trường, dần đưa thương hiệu thép Thủ Đức được nhiều người tiêu dùng biết đến hơn. Hằng năm, năng lực sản xuất théo thỏi của công ty là khoảng 110.000 tấn/năm và năng lực sản xuất của phân xưởng cán khoảng 160.000 tấn/năm. Công ty cũng áp dụng và duy trì hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn ISO 9001 – 2008. Trong bối cảnh khó khăn chung của nền kinh tế trong nước, HĐQT và Ban điều hành công ty đã nhạy bén trong dự báo về giá cả, thị trường, đưa ra nhiều quyết sách sát với tình hình. Nhờ vậy, hiệu quả sản xuất kinh doanh trong năm vừa qua được duy trì ở mức khá tốt, từ đó ổn định thu nhập cho người lao động.
Giải pháp tiết kiệm năng lượng hiệu quả
Với tổng vốn đầu tư gần 44 tỷ đồng cho các giải pháp sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, Công ty CP Thép Thủ Đức đã tiết giảm được chi phí sản xuất khoảng 82 tỷ đồng/năm. Đồng thời, trung bình mỗi năm Công ty còn tiết kiệm được khoảng 8 triệu kWh điện và 160.000 lít dầu FO.
Công ty CP Thép Thủ Đức gồm 2 phân xưởng sản xuất chính là phân xưởng luyện thép và phân xưởng cán thép. Chi phí năng lượng thường chiếm tỷ trọng khoảng 5 – 6% giá thành sản xuất, do vậy việc sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả góp phần quan trọng trong việc giảm giá thành sản phẩm.
Chi phí thấp – tiết kiệm cao
Năm 2010, Công ty CP Thép Thủ Đức đã tiến hành kiểm toán năng lượng, qua đó xác định các khu vực có tiềm năng tiết kiệm năng lượng cần phải được thực hiện trong giai đoạn 2010 – 2015. Đồng thời xây dựng kế hoạch để đầu tư, đổi mới công nghệ thiết bị với phương châm “đầu tư chi phí thấp, vừa sản xuất vừa cải tạo thiết bị, thời gian đầu tư lắp đặt thiết bị nhanh và đưa vào khai thác kịp thời để có thời gian hoàn thành vốn thấp nhất”.
Nhờ đó, Công ty đã tiết kiệm 3 tỷ đồng/năm do giảm tiêu hao gas, tiêu hao phôi từ việc chuyển nạp thỏi nóng trực tiếp vào lò nung và sử dụng trục cán siêu cứng.
Sử dụng năng lượng hiệu quả góp phần giảm chi phí đáng kể trong sản xuất thép
Với giải pháp, thiết kế thay mới vỏ lò LF, nâng dung tích lò thùng lên 24 tấn/mẻ nhưng không thay đổi các thiết bị khác liên quan đã giúp cho năng suất tăng, tiêu hoa điện năng giảm, khả năng bảo ôn giữ nhiệt được nâng cao, lượng tiêu hao gas sấy thùng giảm từ 2,5 Sm3/tấn xuống còn dưới 1 Sm3/tấn, việc này cũng đã giảm được thời gian dành cho sấy lò thùng. Với những giải pháp này Công ty đã tiết kiệm được trên 5,5 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, Công ty CP thép Thủ Đức còn tiết kiệm được khoảng 6 tỷ đồng/năm do giảm tiêu hao fero hợp kim – nguyên liệu ban đầu chủ yếu cho sản xuất thép, từ việc điều chỉnh thành phần thép thỏi phù hợp, tăng tính dẻo của thép thành phẩm; tiết kiệm khoảng 4,5 tỷ đồng/năm do giảm tiêu hao vôi trong luyện thép từ 70 – 80 kg/tấn xuống còn 60 kg/tấn.
Xây dựng hình ảnh “Doanh nghiệp xanh”
Không chỉ dừng lại ở việc đầu tư các giải pháp tiết kiệm năng lượng với chi phí thấp, Công ty CP Thép Thủ Đức còn mạnh dạn đầu tư gần 13 tỷ đồng để cải tạo hệ thống đốt dầu FO sang sử dụng gas CNG, nhằm giảm tiêu hao sử dụng dầu và giảm cháy hao phôi, bảo vệ môi trường; cải tạo thân lò hồ quang làm nguội bằng panel nước để giảm thời gian sửa chữa lò hàng tháng, tăng sản lượng phôi thép; cải tạo lò nung từ 4m thành lò nung 6m. Từ đó, Công ty đã tiết kiệm được hơn 30 tỷ đồng chi phí cho sản xuất thép.
Đại diện Công ty CP Thép Thủ Đức cho biết, Công ty được thành lập từ năm 1978, nhiều phương tiện, thiết bị, công nghệ đến nay đã lạc hậu. Vì vậy, để tiếp tục tồn tại và phát triển trong điều kiện cạnh tranh ngày càng khốc liệt, Công ty xác định phải thường xuyên đầu tư, cải tiến thiết bị, công nghệ nhằm giảm chi phí sản xuất và tăng năng suất lao động.
Cũng trong thời gian từ năm 2011 đến nay, Công ty CP Thép Thủ Đức còn phối hợp với các chuyên gia của Tổ chức phát triển Liên hợp quốc (UNIDO) tại Viêt Nam đào tạo chuyên gia về tiết kiệm năng lượng; đồng thời Công ty cũng đã xây dựng lộ trình cụ thể để thực hiện tiết kiệm năng lượng đến năm 2020, phấn đấu trở thành “Doanh nghiệp xanh” trong hệ thống các doanh nghiệp sản xuất phôi thép tại Việt Nam.
THVMT – Tổng hợp