Nhà Máy Lọc Dầu Dung Quất – Phát Triền Gắn Liền Với Bảo Vệ Môi Trường

Phát triển ngành công nghiệp lọc – hóa dầu là chỉ số đánh giá thành công sự nghiệp công nghiệp hóa của mỗi quốc gia bởi đây là ngành công nghiệp mũi nhọn có vai trò nền tảng với những ảnh hưởng sâu rộng đến nhiều mặt của một nền kinh tế. Việt Nam là quốc gia có trữ lượng dầu thô vào hàng đầu so với các nước Đông Á, chỉ sau Trung Quốc, Indonesia và Malaysia. Là nước có dầu thô xuất khẩu, song tính đến trước khi NMLD Dung Quất hoạt động, Việt Nam phải nhập khẩu hoàn toàn sản phẩm xăng dầu phục vụ nhu cầu nội địa. Việc đầu tư xây dựng nhà máy lọc dầu cho phép chúng ta chế biến dầu thô trong nước, đảm bảo từng bước về an ninh năng lượng, giảm bớt sự phụ thuộc vào nguồn cung cấp xăng dầu từ nước ngoài, góp phần vào sự nghiệp đẩy mạnh công nghiệp hóa – hiện đại hóa đất nước.
Nhà máy lọc dầu Dung Quất, thuộc Khu kinh tế Dung Quất, là nhà máy lọc dầu đầu tiên của Việt Nam xây dựng thuộc địa phận xã Bình Thuận và Bình Trị, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi.[1] Đây là một trong những dự án kinh tế lớn, trọng điểm quốc gia của Việt Nam trong giai đoạn đầu thế kỷ 21.
Ngay từ năm 1994 Thủ tướng Chính phủ khi đó là Võ Văn Kiệt đã ký quyết định chọn địa điểm để xây dựng Nhà máy lọc dầu đầu tiên của Việt Nam tại Dung Quất, tuy vậy dự án nhà máy lọc dầu Dung Quất chỉ được chính thức khởi công vào ngày 28 tháng 11 năm 2005.
Nhà máy Lọc dầu Dung Quất được xây dựng với tổng mức đầu tư là hơn 3 tỷ đô la Mỹ (khoảng 40.000 tỷ đồng) với tên dự án là Nhà máy lọc dầu số 1 Dung Quất của chủ đầu tư là Tổng công ty Dầu khí Việt Nam nay là Tập đoàn Dầu khí Việt Nam – PetroVietnam.
Hợp đồng chính xây dựng Nhà máy lọc dầu Dung Quất đã được Tập đoàn Dầu khí Việt Nam ký với Tổ hợp nhà thầu Technip gồm các Nhà thầu: Technip (Pháp), Technip (Malaysia), JGC (Nhật Bản) và Tecnicas Reunidas (Tây Ban Nha).
Để mô tả khối lượng công việc lớn của dự án tổng thầu của Technip đã so sánh: “Tổng số tài liệu thiết kế và sổ tay vận hành chất đầy khoảng 100 xe tải; diện tích các gói thầu chính xấp xỉ 600 hecta, tương đương với 1.200 sân bóng đá; hơn 150.000 tấn vật tư, thiết bị, tương đương với một triệu xe máy; trên 5 triệu mét dây cáp điện, đủ để căng 2 lần từ Hà Nội đến Thành phố Hồ Chí Minh; gần 17.000 tấn thép các loại, đủ để xây dựng hai tháp Eiffel; và một nhà máy điện công suất trên 100 megawatt đủ dùng cho cả thành phố Quảng Ngãi.”Technip cũng thông báo: việc thiết kế thực hiện với tiêu chí sử dụng tối đa các nguồn lực và phương tiện kỹ thuật của Việt Nam, cho nên 75% công việc của nhà máy sẽ do người Việt đảm nhận. Đã có 1.046 kỹ sư và nhân viên nhà máy được đưa đi đào tạo ở nước ngoài để chuẩn bị đảm đương việc vận hành nhà máy Dung Quất trong tương lai.
Nhà máy được vận hành nâng công suất dần dần từ ngày 25 tháng 2 năm 2009 dự kiến đến tháng 8 năm 2009 đạt 100% công suất để sản xuất ra các sản phẩm khí hóa lỏng (gas) LPG (900-1.000 tấn/ngày) xăng A90 (2.900-5.100 tấn/ngày) và A92-95 (2.600-2.700 tấn/ngày), dầu Diesel (7.000-9.000 tấn/ngày), LPG và các sản phẩm khác như Propylene (320-460 tấn/ngày), xăng máy bay Jet-A1 và nhiên liệu cho động cơ phản lực (650-1.250 tấn/ngày) và dầu đốt lò F.O (1.000-1.100 tấn/ngày). Trong giai đoạn 1, nhà máy sẽ chế biến dầu thô từ mỏ Bạch Hổ và trong giai đoạn 2, sẽ chế biến dầu thô từ mỏ Bạch Hổ (85) và dầu chua từ Dubai (15%).
Vào ngày 18 tháng 2 năm 2009, Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Ngãi và Tập đoàn Dầu khí Việt Nam đã tổ chức một buổi họp báo về sự kiện đón mừng dòng sản phẩm đầu tiên của nhà máy Dung Quất. Và đến tối ngày 23 tháng 2 năm 2009, lễ đón dòng sản phẩm đầu tiên của nhà máy đã diễn ra tại khu bể chứa sản phẩm. Và đại diện của Tổng cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng thuộc Bộ Khoa học – công nghệ Việt Nam nhân dịp này cũng đã chính thức công bố giấy xác nhận về chất lượng sản phẩm xăng dầu của nhà máy.
Ngày 6 tháng 1 năm 2011, nhà máy lọc dầu Dung Quất được khánh thành. Nhà máy hiện do Công ty TNHH MTV Lọc Hóa Dầu Bình Sơn (BSR) quản lý.

Hình ảnh nhà máy

Hồ nước thải của NMLD Dung Quất

Bảo vệ môi trường và phát triển bền vững.

Công ty BSR luôn tuân thủ các nội dung và đề xuất nêu trong Báo cáo và Quyết định phê duyệt Báo cáo đánh giá tác động môi trường cũng như các yêu cầu luật định khác liên quan đến công tác bảo vệ môi trường, cụ thế:
– Hệ thống quản lý môi trường của Công ty Lọc Hóa Dầu Bình Sơn theo tiêu chuẩn ISO 14001:2015.
– Công tác quản lý về vận hành hệ thống xử lý môi trường của Nhà máy: các thông số về môi trường đáp ứng tiêu chuẩn môi trường nguồn thải, không có sự cố môi trường, tất cả các chất thải đều được thu gom và xử lý kịp thời góp phần đảm bảo cho nhà máy xanh, sạch đẹp. Trong các năm qua, các đoàn thanh tra về công tác môi trường đánh giá cao công tác quản lý môi trường của Nhà máy và không có sai phạm, vi phạm nào trong lĩnh vực bảo vệ môi trường.
– Công tác sẵn sàng ứng cứu sự cố môi trường: Công ty đã xây dựng phương án ứng phó sự cố tràn dầu đã được UBND tỉnh Quảng Ngãi phê duyệt. Trên cơ sở phương án đã duyệt, BSR đã mua sắm trang thiết bị ứng cứu tràn dầu đầy đủ. Ngoài ra, BSR cũng đã ký hợp đồng với công ty Dịch vụ Kỹ Thuật dầu khí biển – PVD offshore (đơn vị ứng cứu tràn dầu chuyên nghiệp) có thể ứng cứu những vụ tràn dầu lên đến cấp II.
– Tổ chức tuyên truyền, phổ biến pháp luật môi trường cho CBCNV trong Công ty để mỗi cán bộ sẽ là một tuyên truyền viên về môi trường tại địa bàn sinh sống. Hàng năm, BSR phối hợp với chính quyền địa phương và các cơ quan ban ngành tổ chức các đợt tuyên truyền cho cộng đồng dân cư xung quanh khu vực hoạt động của Nhà máy.
– Với mục tiêu phát triển sản xuất đi đôi với bảo vệ môi trường vì sự phát triển bền vững, Công ty Lọc Hóa Dầu Bình Sơn luôn quan tâm và chia sẻ trách nhiệm cùng với cộng đồng xã hội, cũng như các cơ quan quản lý nhà nước đối với những tác động về môi trường trên địa bàn hoạt động.

THVMT

Cùng chuyên mục

 

Về Tập đoàn VAS | Vững vàng Tâm thép | VAS Group