Hãy bảo vệ tài nguyên nước, thích ứng với biến đổi khí hậu từ những hành động nhỏ bé

(TN&MT) – Đó là thông điệp mà Thứ trưởng Bộ TN&MT Võ Tuấn Nhân đưa ra khi ông phát biểu tại Lễ kỷ niệm ngày Nước (22/3) và Ngày Khí tượng Thế giới (23/3) năm 2018 vừa được Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức tối 22/3 tại Hà Nội. Chương trình buổi lễ được truyền hình trực tiếp trên sóng Đài truyền hình kỹ thuật số VTC.

Thứ trưởng Bộ TN&MT Võ Tuấn Nhân phát biểu tại buổi lễ tối 22/3 tại Hà Nội

Phát biểu tại buổi lễ, Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân tin tưởng, với sự nỗ lực đồng lòng của các cấp chính quyền, người dân, cộng đồng, tổ chức và doanh nghiệp, chúng ta sẽ chủ động sẵn sàng với mọi thay đổi của thời tiết, chung sống hài hòa và bảo vệ tài nguyên nước, thích ứng với biến đổi khí hậu, góp phần gìn giữ nguồn sống cho hành tinh xanh của toàn nhân loại.

Tham dự buổi lễ có đại diện các Bộ, ngành, cơ quan Trung ương, các Đoàn thể, đại diện cho các tổ chức quốc tế; đại diện Thành ủy, HĐND, UBND, MTTQVN thành phố Hà Nội; đại diện lãnh đạo các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương khu vực phía Bắc cùng lãnh đạo các Tổng cục, các Cục, Vụ, Viện và các đơn vị trực thuộc Bộ TN&MT. Buổi lễ cũng có sự hưởng ứng tham gia của hơn 300 bạn trẻ đến từ các trường đại học của Thủ đô Hà Nội.

Các đại biểu tham dự Lễ Kỷ niệm Ngày nước và Ngày Khí tượng Thế giới năm 2018

Nước là tài nguyên quý nhưng không phải vô tận

Phát biểu tại buổi lễ, Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân cho biết, nước là khởi nguồn của sự sống; là nguồn tài nguyên vô cùng quý giá nhưng không phải là vô tận. Trong quá trình phát triển kinh tế – xã hội cùng với sự gia tăng dân số, ô nhiễm và suy thoái môi trường là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng suy giảm nghiêm trọng về cả số lượng và chất lượng nguồn nước, qua đó tác động trực tiếp và gián tiếp đến chất lượng sống của con người trên hành tinh.

Trong khi đó, nhân loại phải đối mặt với thách thức to lớn do biến đổi khí hậu gây ra, đặc biệt là những hiện tượng thời tiết cực đoan, thiên tai, bão lụt có mối quan hệ vô cùng mật thiết với tài nguyên nước.

Vì vậy, để tăng cường nhận thức của công chúng về tầm quan trọng và vai trò của tài nguyên nước, tài nguyên khí hậu đối với sự phát triển của nhân loại, Hội nghị thượng đỉnh Liên hợp quốc về Môi trường và Phát triển tại Rio de Janeiro năm 1992 đã thông qua Nghị quyết lấy ngày 22/3 hàng năm là Ngày Nước thế giới và ngày 23/3 hàng năm là Ngày Khí tượng thế giới.

Các bạn sinh viên Đại học TN&MT Hà Nội tham dự buổi Lễ tối 22/3

Năm nay, Liên hợp quốc lựa chọn chủ đề: “Nước với thiên nhiên” cho Ngày Nước thế giới và chủ đề: “Sẵn sàng với thay đổi thời tiết – Ứng phó thông minh với khí hậu” cho Ngày Khí tượng thế giới.

“Chủ đề của Ngày Nước và Ngày Khí tượng Thế giới năm nay một lần nữa nhấn mạnh vai trò quan trọng của tài nguyên nước, tài nguyên khí hậu trong cuộc sống của con người” – Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân nhấn mạnh.

Theo Liên hợp quốc, hiện nay đang có khoảng 1,9 tỷ người trên hành tinh chúng ta đang phải sinh sống ở những vùng thiếu nước trầm trọng. Con số này có thể sẽ tăng lên khoảng 3 tỷ vào năm 2050. Trong khi, khoảng 1,8 tỷ người vẫn đang phải sử dụng nguồn nước bị nhiễm bẩn.

Trong bối cảnh đó, Chủ đề của Ngày Nước thế giới 2018 nhắc nhở chúng ta về vai trò của thiên nhiên trong việc giải quyết những thách thức về nguồn nước như hạn hán (thiếu nước), lũ lụt (quá thừa nước), ô nhiễm nguồn nước.

Trong khi đó, biến đổi khí hậu ngày càng gia tăng, diễn biến phức tạp trên phạm vi toàn cầu,gây ra những thiệt hại to lớn về người và tài sản từ châu Á đến châu Mỹ, châu Phi trong năm 2017.

Vì vậy, thông điệp của Ngày Khí tượng thế giới năm nay tập trung vào việc chủ động ứng phó kịp thời với những thách thức đang ngày càng gia tăng do biến đổi khí hậu, qua đó góp phần cải thiện sức khỏe và sinh kế của cộng đồng, phục vụ phát triển bền vững của quốc gia và nhân loại.

Tiết mục ca nhạc chào mừng Ngày nước và Ngày Khí tượng Thế giới năm 2018

Việt Nam sẵn sàng đối diện với bất thường của thời tiết, khí hậu

Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân cho biết: Việt Nam được biết đến là quốc gia được thiên nhiên ưu đãi với nguồn tài nguyên đa dạng, phong phú. Tuy nhiên, do tác động của biến đổi khí hậu và các hoạt động khai thác, sử dụng nước chưa bền vững, nguy cơ thiếu nước cho sinh hoạt và sản xuất do ô nhiễm môi trường, nước biển dâng, xâm nhập mặn ngày càng hiện hữu và có xu hướng diễn biến ngày càng phức tạp.

Theo thống kê, hơn 60% lượng nước nước ta được sản sinh từ nước ngoài, gây nguy cơ suy giảm, khó chủ động được về nguồn nước, gây tác động tiêu cực cho các hoạt động phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội và bảo vệ môi trường ở vùng hạ lưu. Đặc biệt, vùng đồng bằng sông Cửu Long đang chịu những tác động to lớn do biến đổi dòng chảy trong mùa lũ, suy giảm dòng chảy mùa kiệt, gia tăng xâm nhập mặn, suy giảm hàm lượng phù sa, suy giảm nguồn lợi thủy sản…

Nhu cầu nước gia tăng trong khi nguồn nước đang tiếp tục bị suy giảm, đặc biệt là trong mùa khô. Tình trạng ô nhiễm nguồn nước ngày càng tăng cả về mức độ, quy mô, tập trung hầu hết các khu vực đô thị, khu công nghiệp, làng nghề. Mặt khác, rừng đầu nguồn bị suy giảm, diện tích rừng không được cải thiện, chất lượng rừng kém là nguyên nhân chính góp phần làm cho nguồn nước cạn kiệt.

Cùng với đó, mỗi năm đất nước ta phải hứng chịu ảnh hưởng của nhiều loại hình thiên tai có nguồn gốc khí tượng thủy văn gây ra như: bão, áp thấp nhiệt đới, mưa lớn, ngập lụt, lũ quét, hạn hán … với tần suất và cường độ ngày càng gia tăng.

Cũng theo số liệu thống kê, năm 2017 được biết đến với những kỷ lục về thiên tai với 16 cơn bão, 4 áp thấp nhiệt đới, nhiều đợt mưa lớn gây lũ, lũ quét sạt lở đất ở nhiều nơi trên cả nước gây thiệt hại lớn đến tài sản và tính mạng của nhân dân.

Điều này cho thấy Việt Nam đã và đang phải đối mặt với những diễn biến bất thường của thời tiết, khí hậu, những thách thức to lớn về tài nguyên nước nếu không có ngay những biện pháp quản lý, thích ứng phù hợp.

Màn múa chào mừng Ngày nước và Ngày Khí tượng Thế giới năm 2018

Hãy bắt đầu từ những hành động nhỏ bé

Tại Việt Nam, trong những năm qua, các hoạt động hưởng ứng Ngày nước thế giới (22/3) và Ngày Khí tượng thế giới (23/3) đã tạo được những tác động lan tỏa to lớn trên khắp cả nước với nhiều hoạt động thiết thực, hiệu quả của các Bộ, ngành, đặc biệt là các cấp chính quyền và nhân dân các địa phương.

Vì vậy, để phát huy những kết quả quan trọng đó, đồng thời để hưởng ứng Ngày Nước và Ngày Khí tượng thế giới 2018, Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân đề nghị mỗi cá nhân hãy cùng chung tay, góp sức thông qua những hành động như:

Bảo vệ nguồn tài nguyên nước nước thông qua sử dụng hợp lý, tiết kiệm và hiệu quả tài nguyên nước trong sinh hoạt hàng ngày và trong hoạt động sản xuất;

Bảo vệ môi trường thiên nhiên, lấy các giải pháp từ tự nhiên để phục hồi, bảo tồn tài nguyên nước, ngăn chặn suy giảm tài nguyên nước, suy thoái chất lượng nước;

Chủ động với mọi biến động của thời tiết khí hậu, tăng cường khả năng chống chịu với các hiện tượng thời tiết cực đoan để giảm thiểu tới mức thấp nhất những thiệt hại do thiên tai gây ra;

“Hành động dù là nhỏ bé của mỗi người chúng ta nếu gộp lại của toàn cộng đồng, của toàn xã hội sẽ tạo nên những hiệu quả to lớn, qua đó góp phần đảm bảo phát triển bền vững của đất nước, trên cơ sở giữ gìn môi trường sống, góp phần phát triển kinh tế – xã hội của đất nước và trên hết là nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân” – Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân kêu gọi.

Nhân dịp này, Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân kêu gọi các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân hãy đồng hành với Bộ TN&MT và ngành TN&MT trong công tác bảo vệ môi trường thiên nhiên, bảo tồn tài nguyên nước, dự báo khí tượng thủy văn.

Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân cho biết Bộ TN&MT luôn hoan nghênh và mong muốn nhận sẽ nhận được nhiều đóng góp về sáng kiến, về đầu tư cho đổi mới công nghệ, tăng cường năng lực, ứng dụng công nghệ cao góp phần nâng cao hơn nữa chất lượng cảnh báo sớm, dự báo gần, dự báo đúng các hiện tượng thời tiết; bảo tồn và nâng cao số lượng và chất lượng tài nguyên nước; bảo vệ môi trường.

“Về phần mình, Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ không ngừng đẩy mạnh công tác quản lý nhà nước về môi trường, tài nguyên nước, khí tượng thủy văn và biến đổi khí hậu; nâng cao hiệu quả công tác phòng tránh và giảm nhẹ thiệt hại do thiên tai liên quan đến khí hậu và tài nguyên nước gây ra với các giải pháp phù hợp về cơ chế, chính sách và các công cụ kinh tế dựa trên thị trường” – Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân nói. 

 

Ngày Nước thế giới và Ngày Khí tượng thế giới là hai sự kiện quốc tế thường niên quan trọng diễn ra vào tháng 3 hàng năm nhằm kêu gọi sự chung tay của Chính phủ, người dân trên toàn thế giới để giải quyết, ứng phó kịp thời với những thách thức về nguồn nước và biến đổi khí hậu đang ngày càng gia tăng.

Mỗi năm, ngày Nước thế giới nhấn mạnh một khía cạnh cụ thể của nước ngọt. Trải qua 24 năm, ngày Nước thế giới đã qua rất nhiều các chủ đề, cụ thể: “2017 – Nước thải”, “2016 – Nước với việc làm”, “2015 – Nước và phát triển bền vững”, “2014 – Nước và Năng lượng”, “2013 – Hợp tác vì nước”, “2012 – Nước và an ninh lương thực”, “2011 – Nước cho phát triển đô thị”, “2010 – Nước sạch cho một thế giới khỏe mạnh”…

Ngày Nước thế giới năm 2018 được Liên Hợp Quốc lấy chủ đề “Nước với Thiên nhiên” cho chúng ta thấy tiềm năng của các giải pháp về nước dựa vào trên thiên nhiên và cách thức để thực hiện chính sách và thực tiễn trong việc quản lý tài nguyên nước hiện nay.

Ngày Khí tượng Thế giới năm 2018, với chủ đề “Sẵn sàng với thay đổi thời tiết, ứng phó thông minh với khí hậu”. Chủ đề này nhấn mạnh tầm quan trọng của thời tiết và khí hậu với an sinh xã hội, sức khỏe của cộng đồng, an ninh lương thực và truyền tải thông điệp về sự cần thiết của việc tăng cường đầu tư nghiên cứu, phổ biến thông tin, kiến thức và nâng cao hiểu biết về thời tiết, biến đổi khí hậu, góp phần nâng cao hiệu quả công tác cảnh báo, dự báo khí hậu, thời tiết và qua đó nâng cao nhận thức cộng đồng về tầm quan trọng của hoạt động khí tượng thuỷ văn, dịch vụ khí hậu của ngành khí tượng thuỷ văn và biến đổi khí hậu trong các hoạt động kinh tế – xã hội, phòng, tránh và giảm nhẹ thiên tai.

                                                       Trích nguồn:  Bài và ảnh: Việt Hùng

 

Cùng chuyên mục